Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng:

Đồng Công Thần Hiển 1- Nên Thánh Đồng Công


 Nhân dịp Dòng mừng kỷ niệm 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng, chúng ta được dịp ôn lại lịch sử của dòng, chẳng những từ khi khai dòng vào ngày 2/2/1953 mà còn trước đó nữa, từ lúc dòng còn là một thai sinh (từ lúc được thụ thai năm 1941 cho thới khi được hạ sinh năm 1953). Nói chung, vì Đấng sáng lập dòng được ơn soi động lập dòng vào chính ngày Lễ Mẹ Đau Thương mà dòng đã chẳng những nhận danh xưng Đồng Công mà còn sống đời Đồng Công nữa, như Mẹ và với Mẹ, trải qua bao đau thương thử thách ngay từ khi được cưu mang, và dọc suốt giòng lịch sử hiện hữu của mình, chẳng những nơi bản thân của vị sáng lập dòng mà còn nơi cả anh em dòng nữa.

Thế nhưng, cho dù có liên tục bị thử thách đau thương như thế, đến độ, có 2 lần tưởng dòng hoàn toàn bị triệt tiêu khỏi mặt đất này, lần thứ nhất vào thời điểm năm 1987, khi chính đấng sáng lập bị án tù chung thân và 21 anh em dòng nồng cốt bị tù từ 4 đến 20 năm, và lần thứ hai vào thời điểm mấy năm (2006-2007) cuối đời của đấng sáng lập, tưởng dòng đã bị tiêu tan bởi trận sóng thần kinh hoàng khủng khiếp từ ngay trong nội bộ của dòng. Thế mà dòng vẫn còn tồn tại cho đến nay, lại còn phát triển hơn nữa, hơn bao giờ hết mới lạ lùng và kỳ diệu, cho dù đấng sáng lập đã khuất bóng. Tình trạng tồn tại và phát triển của dòng cho đến nay và như hiện nay không phải là một sự kiện thần hiển (theophany) hay sao, chẳng khác gì như một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2).

Trái lại, bụi gai không bị thiêu rụi này còn trở thành một bụi lửa thần linhchứng thực Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) "vô hình" (Colose 1:15) là Chủ tế tất cả mọi sự đã quan phòng vô cùng khôn ngoan và toàn năng, vẫn thực sự hiện diện và tỏ hiện nơi dòng Đồng Công ngay từ ban đầu cho tới nayvà chính vì thế, Dòng Đồng Công đã trở thành một sản phẩm thần linh đặc thù của Ngài, đến độ không gì có thể hủy hoại được. Thế rồi, chính vì nhờ được Ngài ở cùng như thế, anh em dòng Đồng Công sẽ tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của đấng sáng lập, với đấng sáng lập và như đấng sáng lập. Điển hình nhất là trường hợp của anh em lớp khấn XII hầu hết sau 1975, sau biến cố 1987, như rắn mất đầu, như dòng đã bị tiêu tan, tương lai mù mịt, thế mà vẫn trung thành với Lý Tưởng Thánh Đồng Công, cho dù có phải sống chui rúc trốn tránh, vất vả khổ sở, như thời Giáo Hội bị đế quốc Roma bách hại và sát hại.

Theo dõi lịch sử dòng nói chung, nhất là đã từng được huấn thánh bởi chính vị sáng lập dòng, em thấy Anh Cả có 2 mối quan tâm chính yếu suốt cả cuộc đời là vị sáng lập dòng của Anh, một hội dòng giáo sĩ để giúp người Việt Nam nên thánh, đó là hết sức mong muốn cho anh em dòng nên thánh, và làm sao cho dòng có linh mục, ít là 1/3 để phục vụ anh em dòng về đời sống phụng vụ cũng như về lãnh vực điều hành quản trị các cơ cấu của dòng, nhất là làm sao các vị linh mục của dòng phải được chính dòng đào tạo.

 

 

Chính vì mối quan tâm nên thánh trước hết và trên hết nơi anh em dòng mà tất cả và từng chọn lựa cùng quyết định của Anh đều dựa theo nguyên tắc, đường lối và tinh thần Phúc Âm Chúa dạy, đó là Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước hết và trên hết (xem Mathêu 6:33). Và đó là lý do chính yếu mới có 2 sự kiện hay biến cố, sau năm 1975 được gọi tắt là "sự cố", tiêu biểu sau đây: thứ nhất là sự kiện mở sổ khấn năm 1968, và thứ hai là sự kiện đóng cửa Trường Trung Tiểu học Đồng Công Thủ Đức năm 1969.

Về sự kiện mở sổ khấn năm 1968. 

Vào thời điểm 1968 xẩy ra sự kiện mở sổ khấn này, Lớp khấn V vừa vĩnh thệ và Lớp khấn IXA gần khấn hạn thệ năm thứ 2. Năm ấy, anh em đội IXA đã được phân phối về Trại Gà Thiện Chí ở Khu Kitô Vương một số, trong đó có em làm bếp, do đó, em được nghe thấy tình hình về sự kiện mở số khấn ngoại lệ và bất thường này, nhất là về lý do của nó. Đó là vì Anh Cả là vị sáng lập dòng cho người Việt Nam nên thánh, trong khi đó, có một số anh em dòng còn đang nên thánh nửa vời, bắt cá hai tay, muốn làm tôi hai chủ (xem Mathêu 6:24), cho dù là những vị chủ tự bản chất vốn tốt lành, như học hành và linh mục, nhiều khi coi những thứ chủ này hơn cả Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Anh Cả chủ trương "quí hồ tinh bất quí hồ đa", không nên để những người anh em nửa vời này ảnh hưởng đến những người anh em khác, do đó mới có biến cố Đại Công Hội ngoại lệ ở Nhà Mẹ Thủ Đức ngày 24/6/1968, một đại công nghị ngoại lệ đã đưa đến 3 quyết nghị dứt khoát sau đây:

1- Tháo Lời Khấn Toàn Thiêu cho toàn thể anh em dòng, vì anh em nào vào dòng Đồng Công cũng phải theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, mà Hiến Pháp và Tục Lệ Dòng chỉ là những gì căn bản, chứ không bao gồm những điều khoản nên trọn lành hơn như Luật Toàn Thiêu được Anh Cả phác họa và muốn anh em dòng tuân giữ trước khi dòng được khai sinh năm 1953. Tuy là những gì tùy ý mỗi cá nhân, không bắt buộc như Hiến Pháp và Tục Lệ Dòng, nhưng anh em đã tuyên khấn tư để tỏ ý nguyện muốn nên trọn lành theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

2- Cho anh em vĩnh thệ từ lớp khấn 1 đến hết lớp khấn 5 được tự do ra khỏi dòng nếu tự họ cảm thấy không hợp nữa. Tuy nhiên, trong vòng 3-4 tháng, chỉ có 1 anh duy nhất lợi dụng thời cơ hoàn tục hay chuyển hướng đời tu ở một nơi khác không biết. Cuối cùng, chính Anh Cả đã đích thân mời gần chục anh em Anh thấy không thích hợp với Đồng Công nữa xuất dòng, và các anh đã đáp ứng lời mời gọi của Anh Cả ra khỏi dòng Đồng Công. Cuối cùng Anh Cả đã tạ ơn Chúa Mẹ đã giúp cho dòng trải qua cuộc thanh lọc bất đắc dĩ nhưng dứt khoát cho Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

3- Quyết nghị thứ ba của Đại Công Hội bất thường ngày 24/6/1968 này là những anh em hạn thệ từ đó về sau, trước khi vĩnh thệ cần phải được sát hạch về chí tu, và phải được nhiều anh em dòng biết đến ủng hộ cho khấn trọn. Lớp khấn IXA là lớp khấn đầu tiên bắt đầu thực hành các biện pháp bảo vệ Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Anh Cả. Đó là ngày nào cũng vậy, ngay sau Thánh lễ ban sáng, anh em đội qui tụ lại một chỗ để tuyên thệ trung thánh với Lý Tưởng Thánh Đồng Công, và ban tối họp nhau phải được 12 Điều Kiểm Thảo nhắc nhở về Lý Tưởng Thánh Đồng Công, bao gồm cả những khoản liên quan đến vấn đề học hành, nhất là chức linh mục.

Về sự kiện đóng cửa trường Trung Tiểu học cùng ký túc xá Đồng Công Thủ Đức năm 1969. 

Trường Đồng Công Thủ Đức bấy giờ đang nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam, vì trường được chính các tu sĩ Đồng Công đích thân đảm trách quản trị và dạy học cùng chăm sóc, chứ không thuê giáo viên hay giáo sư bên ngoài. Do đó, học sinh vừa giỏi lại vừa ngoan, đến độ, khi nghe thấy quyết định trường bị đóng cửa thì nhiều phụ huynh đã cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, thậm chí có một số vị đã nhào vô can thiệp, một cách gián tiếp, với các vị có thẩm quyền cao hơn, như Đức Tổng Nguyễn Văn Bình, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn hay Đức Cha Nguyễn Văn Hiền, 3 vị giám mục có liên hệ mật thiết với dòng Đồng Công nói chung và với Cha Thủ nói riêng, thế nhưng chính nỗi tiếc xót của dân chúng và những lời Anh Cả nghe trực tiếp các Đấng nói với anh về biến cố đóng cửa trường này đã cho thấy hiệu năng của việc Dòng Đồng Công giáo dục giới trẻ ra sao:

ĐTGM Nguyễn Văn Bình viết: "Tôi không nói Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp thế giới, nhưng thật sự Trường Đồng Công có ảnh hưởng khắp miền Nam như vậy mà sao cha lại bãi?"

Đức Cha Hoàng Văn Đoàn khi gặp Anh Cả: "Sao Cha lại bãi Ký túc xá và Trường đang hoạt động xuôi chảy tốt đẹp như vậy?"

Đức Cha Nguyễn Văn Hiền chỉ nói đơn sơ với Anh: "Cha bãi trường à? Hoài nhỉ!"

Anh Cả chỉ thân thưa vắn gọn với các ngài như thế này:

"Thưa Đức Cha, con không bãi đâu, con chỉ tạm ngưng hoạt động ít năm để sửa chữa và kiến thiết lại thôi..." (với ĐTGM Nguyễn Văn Bình)

"Vì con cần phải chỉnh đốn lại nội bộ" (với Đức Cha Hoàng Văn Đoàn)

Và quả thực, sau đó Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức đã mở lại, do đó một số anh em mới khấn Đội X ở Di Linh đã được sai phái về phục vụ vào năm 1974: Aa Thuật, Tài, Khoa, Hữu, Mẫn, Đội IX cũng có Aa Cầu, Luận v.v. thành phần Đồng Công trẻ trung còn hăng say với Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Tuy nhiên, biến cố đóng cửa trường này, cho dù chỉ tạm thời thay vì vĩnh viễn, cũng cho thấy Lý Tưởng Thánh Đồng Công phải trước hết và trên hết nơi anh em dòng phục vụ ở môi trường giáo dục giới trẻ là thành phần tương lai của đất nước, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc trần gian nào, cho dù học sinh và gia đình họ có lợi về mặt tinh thần, và dòng cũng có thêm một nguồn lợi tức không nhỏ để tự lập mưu sinh. Bởi vì, theo nguyên tắc Phúc Âm: "được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì" (Mathêu 16:26).

Nên Thánh Đồng Công ở chỗ nào và bằng cách nào?

Chính vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công trước hết và trên hết như thế, nơi chính bản thân tu sĩ Đồng Công cũng như các việc phục vụ của Dòng, mà việc nên thánh của anh em dòng là những gì bất khả thiếu. Có thể nói, theo chiều hướng của Anh Cả là vị sáng lập dòng thì làm gì thì làm, trước hết và trên hết phải thánh đã thì mới thánh hóa công việc của mình và mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn minh phục vụ. Nghĩa là phải là một vị thánh giáo sư mới có thể là một giáo sư thánh, phải là một vị thánh linh mục mới có thể là một vị linh mục thánh, phải là một vị thánh thừa sai mới có thể là một vị thừa sai thánh v.v. Thế nhưng, Nên Thánh Đồng Công hay Đồng Công Nên Thánh ở chỗ nào và bằng cách nào đây?

Thật ra, cũng theo đúng như mạc khải Thánh Kinh thôi, chứ không có gì khác lạ và dị thường, kiểu "thánh nhân dị chúng nhân". Nếu Nên Thánh chính là "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), mà tất cả tầm vóc trọn lành của Thiên Chúa đều được tỏ hiện nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn phản ảnh Cha, "đẹp lòng Cha mọi đàng" (Marcô 1:11), thì Nên Thánh cũng là nên giống Chúa Kitô, là sống Chúa Kitô đến độ "Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). Vậy nếu Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, thì Nên Thánh chính là sống xứng đáng với ơn gọi là con Thiên Chúa của mình, bằng những thái độ và tác hành theo đúng tư cách là con của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Tám Mối Phúc Đức được Chúa Kitô truyền dạy ở bài giảng trọn lành trên núi, những mối phúc đức được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Trọng buộc kính Các Thánh Nam Nữ ngày 1/11 hằng năm.

Thật vậy, Kitô hữu chúng ta đã trở nên con cái của Thiên Chúa nơi Bí tích Thánh Tẩy tái sinh, được thông phần vào bản tính thần linh của Ngài và được sống sự sống thần linh với Ngài và như Ngài nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài. Nếu là loài người chúng ta được ban cho trí khôn và lòng muốn là 2 tài năng của linh hồn thế nào, để có thể tác hành xứng với phẩm cách làm người, thì về lãnh vực siêu nhiên cũng thế, vì là con Thiên Chúa chúng ta cũng được phú bẩm cho 3 thần đức tin cậy mến như một khả năng siêu nhiêu để có thể sống và xứng đáng sống sự sống thần linh của Chúa nơi chúng ta. Đó là lý do Nên Thánh Đồng Công hay Đồng Công Nên Thánh là sống 3 thần đức Tin-Câỵ-Mến, một bộ 3 thần đức là chính nội dung và tâm điểm của 3 tinh thần dòng là bỏ mình (đức tin là những gì vượt lên trên bản tính và khuynh hướng tự nhiên của bản thân con người), tận hiến (ở chỗ cậy trông phó thác) và yêu nhau (ở chỗ sống đức mến trọn hảo).

Nếu để ý chúng ta thấy trên thực tế Anh Cả đã huấn dụ và huấn thánh tu sĩ Đồng Công của Anh theo bộ 3 thần đức này, như ở hai văn kiện tiêu biểu của Anh viết cho anh em dòng nói chung và anh em tỉnh dòng nói riêng:

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Tin - không sống đức tin không thể nên thánh (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công tỉnh dòng Hoa Kỳ dịp Xuân Mậu Ngọ 1978 sau khi anh ra khỏi tù lần thứ 1):

"Trước hết anh xin lưu ý các em vớibất cứ giá nào cố gắng giữ toàn vẹn Đức Tin cổ truyền, giữ như bản tuyên xưng Đức Tin Đồng Công mà chúng ta quen đọc trong ngày Chúa Nhật Đầu tháng, xin các em còn sống nếp sống Đồng Công như các em vốn đã sống khi còn ở quê Hương Việt Nam, giữ đúng hiến pháp, tục lệ, tinh thần dòng, đừng muốn buông thả, đừng muốn tháo khoán nhá, kẻo dần dần sẽ làm cho các em mất Đức tin mà các em không biết, nếu cần thiết thay đổi và thích nghi với khí hậu, với hoàn cảnh địa phương, thì chỉ nên thay đồi và thích nghi những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra cần thiết thật thôi, chứ những cái vụn vặt bề ngoài mà xét ra không cần thiết thật, thì cũng không nên thay đổi, về điểm này chắc các em cũng đồng ý với anh chứ?"

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Cậy - là tin tưởng phó thác như trẻ thơ (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công dịp Dòng mừng Kim Khánh Khai Dòng 1986):

"Con đường Tận Hiến cho Mẹ, Nô Lệ Tình Yêu Mẹ, đó là con đường Thơ Ấu Đồng Công, là nếp sống đẹp lòng Cha Má nhất, dễ dàng nhất, đó là con đường Đại Thánh Đồng Công".

Đồng Công Nên Thánh là sống Đức Mến - ở chỗ đối xử với nhau bằng đức ái trọn hảo (trích Thư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công tỉnh dòng Hoa Kỳ dịp Xuân Mậu Ngọ 1978 sau khi anh ra khỏi tù lần thứ 1):

"Điểm sau cùng anh muốn lưu ý các em là xin các em hãy thành thực tự đáy lòng sống với nhau bằng đức ái trọn hảo, biết trọng đức yêu nhau hơn mọi tư lợi, cố gắng giữ đức yêu nhau hơn mọi tư lợi hằng thiết tha yêu mến nhau trong tư tưởng, lời nói, hành động, luôn đoán ý lành cho nhau, nhịn nhục những khuyết điểm của anh em, biết tha thứ cho nhau trong mọi lúc, đừng đoán xét ai và vui lòng chịu người ta xét đoán, trọng kính mọi anh em mà không đòi được anh em trọng kính, đừng phê phán bình phẩm nói hành ai, mà sẵn sàng chịu chê bai đàm tiếu. Các em ơi, vì các em là thành phần Đức tin hoàn hảo mà, các em đâu có quên. Yêu nhau là mến Chúa, yêu nhau là thước đo Thánh Thiện, đặc tính cá biệt của tu sĩ Đồng Công là yêu nhau để lôi kéo nhiều linh hồn về với lòng yêu bao la toàn năng, vĩnh cửu".

Câu rõ ràng nhất cho thấy Lý Tưởng Thánh Đồng Công hay Nên Thánh Đồng Công là ở chỗ sống 3 thần đức tin cậy mến, được Anh Cả khẳng định ở phần kết của bứThư Anh Cả gửi tu sĩ Đồng Công dịp Dòng mừng Kim Khánh Khai Dòng 1986:

"Làm thế nào để tới Con Đường Đại Thánh Đồng Công? Đây là con đường Đại Thánh Đồng Công: Tin Thơ Trẻ, Cậy Trông Thơ Trẻ, Mến Yêu Thơ Trẻ.

"Thế nào là Tin Thơ Trẻ, Cậy trông Thơ Trẻ, Mến yêu Thơ Trẻ? Các em đã nghe, đã biết đủ rồi, chỉ cần các em thật muốn: là cầu nguyện thiết tha, với ơn Cha Má luôn sẵn sàng trợ giúp, dùng hết ý chí gan góc kiên trì, mạnh tay bóc lột, bóp chết Thần Tôi – là vị thần kiêu căng, ngạo nghễ, gan lì chống đối Chân Thiện Mỹ. Tình yêu Cha Má không ngừng đâu các em ạ. Chúng ta chưa vươn lên con đường Thơ Ấu ĐC chỉ tại vị thần kiêu căng ngạo nghễ gan lì trong nhà chúng ta chưa bị hạ bệ, hắn còn ẩn núp trong xó nhà, chỗ kín đáo làm ta không khám phá ra, hoặc khám phá ra rồi mà chúng ta con nể vì nương tay với hắn, chưa có gan, chưa mạnh tay tàn nhẫn hạ bệ hắn xuống. Chỉ có vậy thôi".

     

Xin đón coi tiếp